Pages

Subscribe:

Thứ Năm, 23 tháng 10, 2014

UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN.

                                 
                                                                    Bs. Phạm Bích Thủy.
                                                                        Giám đốc: Trường LĐXH Thanh xuân

      Hàng năm, cứ vào dịp tháng 7 mỗi người dân Việt nam lại vô cùng xúc động, tưởng nhớ đến các anh hùng liệt sĩ, các mẹ Việt nam anh hùng, các thương bệnh binh, người có công với cách mạng đã hy sinh xương máu của mình cho độc lập tự do của Tổ quốc; Đồng thời đây cũng là dịp để tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc và bày tỏ sự sẻ chia sâu sắc đối với gia đình, thân nhân các liệt sĩ còn chưa tìm được hài cốt của con em mình.
       Mọi thế hệ người Việt nam đều hiểu: Cái giá của Độc lập tự do hôm nay đã phải trả bằng sinh mạng máu xương của hàng triệu liệt sĩ, hàng triệu thương bệnh binh và hàng ngàn người đang mang trong mình di chứng chất độc da cam… Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Chiến tranh đã đi qua nhưng nỗi đau mất con của các bậc cha mẹ, mất chồng của những người vợ, mất cha của những người con… là nỗi đau không thể nguôi ngoai và không gì bù đắp nổi. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt nam mãi mãi ghi tạc và đời đời biết ơn sự hy sinh, cống hiến to lớn đó. Với truyền thống “ Uống nước nhớ nguồn” ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Thực dân, Hồ Chủ Tịch đã Quyết định chọn ngày 27/7 hàng năm là ngày “ Thương binh toàn Quốc” sau được đổi là ngày “ Thương binh liệt sĩ” để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ghi nhớ, tôn vinh công ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh và người có công với cách mạng. Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm đã trở thành ngày có ý nghĩa lịch sử, chính trị sâu sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt nam.                                         
     Ghi nhận những hy sinh to lớn đó, nhiều năm qua Đảng, Chính phủ đã có những chính sách ưu đãi, những việc làm thiết thực giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần đối với thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Mẹ Việt nam anh hùng, người có công với cách mạng… trong đó có chính sách hỗ trợ thân nhân thăm viếng mộ, tìm, quy tập và di chuyển hài cốt liệt sĩ đã thể hiện lòng tri ân tôn kính, sự biết ơn và ghi nhớ công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, đồng thời cũng đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của thân nhân, gia đình họ và góp phần giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ.
        Vì vậy, ngay sau ngày giải phóng Đảng và chính phủ đã có chủ trương quy tập hài cốt liệt sĩ đưa về các nghĩa trang để chăm sóc, thờ cúng tri ân. Công việc đã được triển khai và đạt nhiều kết quả tốt, song do sự khắc nghiệt của chiến tranh và nhiều lý do khác mà cho tới nay hãy còn hàng vạn hài cốt chưa được quy tập, hàng trăm ngàn hài cốt liệt sĩ đã được quy tập vào các nghĩa trang Quốc gia nhưng lại yên nghỉ dưới những phần mộ “ Liệt sĩ chưa biết tên”.
       Từ xa xưa, người Việt nam luôn sống với tâm thức “ Sống ở, thác về”, nơi an nghỉ của người quá cố luôn tượng trưng cho những gì linh thiêng nhất và thường có sự liên quan siêu nhiên với số mệnh con cháu sau này. Cho nên, việc giữ gìn, chăm sóc phần mộ người đã khuất không chỉ là cách tỏ lòng thành kính mà còn chứa đựng cả một nền văn hóa tín ngưỡng, một giá trị nhân văn sâu sắc, một hệ thống lễ giáo chuẩn mực trong gia đình và dòng tộc. Chính vì thế, đối với các gia đình lệt sĩ thời gian trôi đi có thể làm vơi nỗi đau, mất mát nhưng thời gian cũng làm tăng thêm niềm day dứt không nguôi của những thân nhân liệt sĩ chưa tìm được hài cốt của con em mình.
       Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhà thơ Vũ Thịnh cũng có 2 anh trai xung phong đi chiến đấu và đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường Miền nam đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. Với sự sót thương vô hạn, nỗi lòng trăn trở, xót xa, trong bài thơ “Tìm bóng hình anh” nhà thơ Vũ Thịnh đã viết:
                                                    Đã hơn bốn mươi năm
                                                    Cùng với đồng đội,
                                                    Nằm lại chiến trường
                                                   Có anh tôi ở đó…
                                                                        ( Tìm bóng hình anh)
        Mong muốn tìm được hài cốt của anh trai luôn đốt cháy tâm can tác giả, khi vào thăm các nghĩa trang Quốc gia như Thành cổ Quảng trị, nghĩa trang Trường sơn, nghĩa trang Đường 9…thấy trên nửa số mộ trong nghĩa trang mang bia “ Liệt sĩ chưa biết tên” trong số đó có rất nhiều ngôi mộ tập thể nhà thơ Vũ Thịnh đã vô cùng cảm động, anh viết:
                                        …   Trùng trùng rừng lá
                                              Bia mộ vô danh
                                             Cùng chung một hố
                                             Như tiểu đội xưa…
                                                               ( Tìm anh)
       Khi đi thắp hương, đứng trước hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ, tác giả như người mộng du, anh đến từng ngôi mộ, lần từng tấm bia với hy vọng thật mong manh là tìm thấy tên anh trai mình trong đó…nhưng anh đã phải đau sót thốt nên:
                             …   Nỗi khổ đau chất chồng trong trí nhớ
                                   Em tìm anh, sống gửi thác ở đâu!
                                                                                 ( Tìm anh)
      Với lời lẽ rất mộc mạc, chân tình các bài thơ đã ghi lại cảm xúc của tác giả đối với người thân, với các liệt sĩ trong những lần viếng thăm nghĩa trang hoặc vào các dịp kỷ niệm ngày “ Thương binh, liệt sĩ”;  câu thơ của anh như những lời tâm tình của người em đối với người anh trai đang ở chốn xa xôi; những lời thì thầm của tác giả gửi tới cõi tâm linh nơi có anh trai mình và các anh hùng liệt sĩ yên nghỉ với tâm nguyện các anh sẽ cảm nhận được những lời thiêng liêng đó.
                                                    Anh có thấu trăng
                                                    Nỗi đau trăn trở
                                                    Từ quê hương,
                                                    Mòn mỏi ngóng tìm anh!
                                                                   ( Tìm bóng hình anh)
         Những vần thơ thể hiện tấm lòng, nỗi nghẹn ngào của tác giả luôn khắc khoải mong ngóng từng ngày tìm được hài cốt của anh trai đã làm xúc động lòng người. Với lòng biết ơn vô hạn, tác giả Vũ Thịnh  đã viết bài thơ “ Nguyện cùng Người” như một nén  tâm hương mà tác giả thành tâm gửi tới anh linh  của anh trai mình và những người liệt sĩ anh hùng trên khắp mọi miền đất nước.
                                              Tâm nhang tưởng nhớ - Các anh ơi
                                              Tuổi xuân dâng hiến - Trọn nghĩa đời.
                                              Tạc dạ, ghi lòng – Ơn Liệt sĩ
                                              Ân đền - Nghĩa đáp – Nguyện cùng Người!.
        Giờ đây chiến tranh đã lùi vào dĩ vãng, tuy nhiều gia đình còn chưa tìm được hài cốt của thân nhân mình, nhưng xin các gia đình hãy yên lòng vì mỗi tấc đất của quê hương đều chứa đựng tâm hồn và thể xác của các anh – những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Là nhà thơ, nhà báo lại có sự đồng cảm sâu sắc với thân nhân các anh hùng liệt sĩ đặc biệt là thân nhân những liệt sĩ chưa tìm được hài cốt con em mình mong rằng trong thời gian tới sẽ được đón đọc của nhà thơ Vũ Thịnh những bài thơ viết về đề tài người lính, anh bộ đội Cụ Hồ, các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, những hoạt động “ Đền ơn, đáp nghĩa” để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân ta đối với người có công với cách mạng đồng thời góp phần giáo dục thế hệ trẻ truyền thống nhân nghĩa, đạo lý “ Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc./.

                                                                                       HP, ngày 18/7/2014

0 nhận xét:

Đăng nhận xét